Thông báo lựa chọn Tổ chức đấu giá tài...

Quyền sử dụng đất thửa đất Kho lương thực (cũ), khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; 6...

Đại hội Chi bộ Trung tâm Quản lý đất đai...

Thực hiện kế hoạch số 74-KH/HU, ngày 31/10/2019 của Huyện uỷ Tuần Giáo về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019...

Thông báo đấu giá Quyền sử dụng đất thửa...

Tên người có tài sản: Trung tâm Quản lý đất đai huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện BiênĐịa chỉ: Khối Tân Giang, thị trấn Tuần...

Thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài...

Quyền sử dụng đất đất thửa đất số 119, tờ bản đồ số 27, khối Tân Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo

Tiếp tục các biện pháp cấp bách phòng,...

Trung tâm Quản lý đất đai huyện Tuần Giáo liên tục cập nhật liên tục các chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống dịch...

Tuần Giáo vùng đất cách mạng, văn hóa lịch sử, giàu tiềm năng

Thứ ba - 28/01/2020 23:27
Trong khí không ấm áp của mùa xuân, đón chào năm mới. Tuần Giáo là một vùng đất có bề dày lịch sử, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và giàu tiềm năng...Dưới một góc nhìn!
Một góc Tuần Giáo - Ảnh chụp 03/10/2014
Một góc Tuần Giáo - Ảnh chụp 03/10/2014
Vùng đất có bề dày lịch sử
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với sức mạnh và ý chí, khát vọng vươn lên của Nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo đã và đang làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Trong lịch sử phát triển, Tuần Giáo là địa bàn có con người đến cư trú từ rất sớm. Tại các di chỉ khảo cổ học ở hang Thẩm Púa (Búng Lao), Thẩm Khương (Chiềng Sinh ) thuộc huyện Tuần Giáo đã tìm thấy các công cụ của thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá giữa và đồ đá mới. Ngoài ra người ta con tìm thấy ở đây những công cụ bằng đồng của nền văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại Hùng Vương như trống đồng được phát hiện tại Tuần Giáo năm 1963.
Thời Hùng Vương, Tuần Giáo, Điện Biên ngày nay (xưa là Lai Châu)  thuộc bộ Tân Hưng; thời Lý thuộc lộ Đà Giang; thời Trần thuộc châu Ninh Viễn; thời Lê thuộc trấn Gia Hưng. Tên Tuần Giáo có từ đời Lê Cảnh Hưng (1740-1768), với là Tuân Giáo, có nghĩa là "tuân theo giáo hoá của triều đình".
Năm 1882, thực dân Pháp chiếm đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 20 - 8 - 1891, Tuần Giáo là một trong các châu : Sơn La , Yên , Mai vận , Điện Biên (phủ Sơn La) và Mộc , Phú Yên (phủ Vạn Yên ) thuộc Tiểu quân khu Van Bú nằm trong Đạo quan binh thứ tư gồm có Tiểu quân khu Vạn Bú và Tiểu quân khu Lai Châu. Ngày 10 - 10 - 1895 , hai tiểu quân khu trên sáp nhập thành tỉnh Vạn Bú . Ngày 7- 4 - 1904 , tỉnh ly tỉnh Vạn Bú chuyển về Sơn La . Đến ngày 23 - 8 - 1904 , tỉnh Vạn Bú đổi thành tỉnh Sơn La . Ngày 28 - 6 - 1909 , Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm : Đạo Lai (châu Lai , châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu ) và châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo. Đến ngày 27 - 3 - 1916 , tỉnh Lai Châu lại chuyển thành Đạo quan binh thứ tư theo chế độ quân quản (Đạo quan binh thứ tự gồm : châu Lai , châu Quỳnh Nhai , sở Đại Lý , châu Điện Biên và các khu biên giới phía bắc : Mường Tè, Mường Nhé, Mường Bum , Mao Xà Phình). Mãi tới ngày 4 - 9 - 1943, chế độ quân quản ở Lai Châu mới bị bãi bỏ . Trong thời kỳ dài thống trị, thực dân Pháp đều đặt dưới chế độ quân quản, có một thời gian ngắn chúng áp dụng chế độ cai trị hành chính. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc mới bùng nổ, Tuần Giáo, Lai Châu nằm trong Chiến khu 2 cùng với Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Hoà Bình, Ninh Bình, Sơn La . Sau đó nhập cùng Chiến khu 10 và phần Chiến khu 1 thành Liên khu Việt Bắc.
Năm 1948 , Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai . Ngày 12 - 1 - 1952 , Thủ tướng Chính phủ - Nghị định số 145 - TTg tái lập hai tỉnh Lai Châu và Sơn La.
Ngày 26 - 1 - 1953, để củng cố căn cứ địa Tây Bắc mới giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134 - SL thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai , Yên Bái , Sơn La và Lai Châu, tách khỏi Liên khu Việt Bắc. 
Ngày 7 - 5 - 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Lai Châu được giải phóng, hoà bình được lập lại trên miền Bắc nước ta . Ngày 29 - 4 - 1955 , Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 230 - SL thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, ngày là 7 - 5 - 1955, Khu tự trị Thái - Mèo ra mắt, các huyện nay gọi là các châu, trực thuộc Khu, không có cấp hành chính tỉnh. Ngày 27 - 10 - 1962 , kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại 3 tỉnh trong Khu là: Lai Châu , Nghĩa Lộ và Sơn La. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay , Phong Thổ, Sình Hồ ” và thị trấn Lai Châu.
Ngày 7 - 5 - 1965 thành lập thị trấn Tuần Giáo. Ngày 15-4-1991 mở rộng thị trấn Tuần Giáo. 
Ngày  14  tháng  11  năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, huyện; thành lập xã; mở rộng và đổi tên thị trấn Mường Ẳng thuộc huyện Tuần Giáo, huyện Mường Chà; thành lập huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.
Ngày 25  tháng  8  năm 2012, Chính phủ đã bàn hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên.

Vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng
Vùng đất “địa linh nhân kiệt” Tuần Giáo đã sinh dưỡng nhiều “nhân kiệt” cho quê hương, dân tộc gắn liền với lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc... Vùng đất có những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Những tập thể, cá nhân được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Tuần Giáo; Xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo; Công an xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo. Những cá nhân:
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Sùng Phái Sinh, sinh năm 1915 tại vùng đất Pú Nhung, Tuần Giáo, một trong những cái nôi cách mạng của tỉnh Lai Châu, Sùng Phái Sinh sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, chiến đấu để bảo vệ quê hương. Từ năm 1949 đến năm 1954, đồng chí luôn đi đầu trong các phong trào giết giặc lập công, là một trong những chiến sĩ đầu tiên của đội du kích xã Pú Nhung, hoạt động mạnh tại địa phương quê hương đồng chí với nhiều nhiệm vụ như: vận động Nhân dân, tuyên truyền giác ngộ đồng bào, vạch rõ âm mưu của giặc chia rẽ giữa các đồng bào dân tộc, xây dựng khối đoàn kết giữa các bản làng; tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con dân bản; lúc khác lại dũng cảm mưu trí một mình vẫn kiên quyết chống lại địch. Đồng chí Sùng Phái Sinh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 lần là Chiến sĩ thi đua của Quân khu Tây Bắc. Khi được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1956, đồng chí Sùng Phái Sinh đang là xã đội trưởng Pú Nhung, là anh hùng thời kháng chiến chống Pháp duy nhất của tỉnh Lai Châu (cũ). Hiện nay tên đồng chí Sùng Phái Sinh được đặt cho một con đường của thành phố Điện Biên Phủ.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Vừ A Dính, dân tộc Mông, sinh ngày 12-9-1934 tại bản Đề Chia, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Vừ A Dính là con thứ ba của ông Vừ Chống Lầu (sinh năm 1899) và bà Sùng Thị Plây (sinh năm 1901).
Ông Vừ Gà Lử, anh trai Anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính - người thứ hai từ trái, ảnh chụp tháng 4/2014
Ông Vừ Gà Lử, anh trai Anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính, người thứ hai phía trái ảnh
(Ảnh chụp tháng 4/2014)
Vừ A Dính sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ngay từ nhỏ, Dính là một cậu bé thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn. Được cha mẹ giáo dục, Vừ A Dính đã sớm giác ngộ cách mạng và căm thù giặc Pháp xâm lược. Pú Nhung luôn bị giặc đột kích vào cướp bóc, đốt nhà, bắt người. Vì thế dân làng phải cử người canh gác để phát hiện giặc. Chưa đầy 13 tuổi nhưng Vừ A Dính đã xung phong được đi canh gác như các anh chị lớn. Lần ấy, giặc Pháp không đi từ Tuần Giáo lên mà chúng bí mật xuyên rừng Bản Chăn lên cướp phá. Khi phát hiện ra giặc Vừ A Dính vội lao về bản, vừa đi vừa hô to “Có thằng Tây ! Có thằng Tây !”. Dân bản vội chạy vào rừng. A Dính chạy vội về nhà xem mẹ và các em đã vào rừng hay chưa thì gặp một toán lính xồ tới. Bọn này đi bắt phu khuân của cướp bóc được về đồn cho chúng. Thế là chúng bắt luôn A Dính đi theo để khiêng lợn cho chúng. A Dính cắn răng gắng sức cõng một cái rọ nhốt con lợn to. Đến một con dốc cạnh bờ suối, A Dính dự định lợi dụng địa hình này để chạy trốn. Cậu giả cách trượt chân lăn theo cả rọ lợn xuống dốc. Chẳng may cho A Dính, lăn tới cuối dốc cậu bị một cây gỗ chặn ngang người. Cái rọ lợn bung ra, con lợn chạy biến vào rừng. Bọn giặc chạy ào xuống vừa đánh vừa lôi Dính về giam tại đồn Bản Chăn. Tên đồn trưởng người Pháp ra lệnh cho thuộc hạ: “Nó làm mất con lợn, nó phải thế mạng”. Khi biết sáng sớm mai sẽ bị giết, đêm ấy Vừ A Dính đã rủ ông già Vừ Sa ở bản Phiêng Pi cùng bị bắt giam với mình dỡ mái trại giam, bò qua nhiều bốt canh để trốn thoát ra ngoài.
Trung tuần tháng 6 năm 1949, giặc Pháp huy động tổng lực quân lính từ các đồn trong khu vực để vây ráp hòng tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo của Vừ A Dính. Gần một nghìn quân đổ về khu căn cứ Pú Nhung từ nhiều ngả đường. Một tốp giặc của đồn Bản Chăn dưới sự chỉ huy của một đội Tây đã bí mật phục kích ngay tại đầu một bản bỏ hoang gần Pú Nhung.
Hôm ấy trời mù sương, chỉ cách nhau vài bước chân mà không nhìn thấy nhau. Dính vừa bí mật gặp mẹ trở về. Sau lưng của Dính còn đeo trong bọc cả trăm viên đạn mà mẹ mới trao cho. Người Dính ướt đẫm sương. Vì trời giăng sương mù mịt nên rất khó quan sát. Dính bất ngờ rơi vào ổ phục kích của giặc mà không hay biết. Giặc tra tấn và bỏ đói, bỏ khát Dính giữa rừng. Sự gan dạ của Vừ A Dính đã làm run sợ nhiều tên lính ngụy. Sáng ngày thứ ba kể từ khi bị bắt, tên đội Tây đến trước mặt Vừ A Dính dụ dỗ: “Nói một câu tao sẽ cho băng thuốc, chữa chân gãy cho mày, cho mày ăn uống tử tế và thưởng nhiều tiền nữa. Nói, ông tỉnh ở đâu ?” Dính vẫn trơ như đá không hé răng nửa lời.
Biết mình khó qua khỏi bàn tay tàn ác của kẻ thù, sáng hôm khi thằng đội Tây vừa đến Vừ A Dính vờ gật đầu: “Biết biết!” Tên đội hô lính mang sữa, mang bánh lại nhưng Dính chỉ uống vài ngụm nước. “Làm cáng cho tao !”. Dính nói với tên đội Tây.
Ròng rã một ngày trời Dính bắt bọn giặc khiêng mình đi hết ngọn núi này sang khu rừng khác nhưng vẫn chưa chịu chỉ vị trí đóng quân của bộ đội. Loanh quanh đến chiều tối Dính lại dẫn chúng trở về nơi xuất phát ban đầu. A Dính ngước nhìn bầu trời và núi rừng quê hương, mỉm cười. Biết bị lừa, thằng đội Tây gầm lên. Nó xả cả một băng đạn vào ngực Vừ A Dính. Sau đó nó sai treo xác Vừ A Dính lên cây đào cổ thụ. Giặc bí mật phục kích nhiều ngày tại đây hòng đón bắt đơn vị vũ trang của ta tới đưa xác Dính về. Hôm ấy là chiều tối ngày 15-6-1949. Vừ A Dính đã anh dũng hy sinh bên gốc cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn, khi chưa tròn 15 tuổi. Ngay cái đêm Vừ A Dính hy sinh, chứng kiến cái chết hiên ngang, anh dũng của Vừ A Dính, hơn mười tên lính ngụy đã bỏ trốn khỏi hàng ngũ của địch. Vừ A Dính đã hy sinh trong tư thế hiên ngang không một chút run sợ. Tấm gương hy sinh anh hùng bất khuất của Vừ A Dính đã đi vào sử sách. Bia mộ ghi nội dung:
“Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính sinh ngày 12-9-1934 tại Pú Nhung, Tuần Giáo, Điện Biên. Hy sinh ngày 15-6-1949. Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 8-11-2000. Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và báo Thiếu niên Tiền phong quyết định lập Quỹ học bổng dành cho học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Việt Nam, Quỹ mang tên Quỹ học bổng Vừ A Dính, ngày 5-3-1999”.

Những Anh hùng lao động
 Anh hùng lao động Quàng Văn Hao vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lại không được ăn học tới nơi, tới chốn, nhưng ông Quàng Văn Hao ngày đó luôn tích cực học hỏi để thay thế phương thức sản xuất cũ, vì vậy đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng trên diện tích lúa của gia đình. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, sau mỗi vụ thu hoạch, năng suất lúa của gia đình ông luôn cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với bình quân năng suất của xã. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương ông đã vận động thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Nậm Mùn, thu hút gần 300 hộ gia đình tham gia. Đồng thời ông còn tích cực hướng dẫn bà con trong xã tích chuyển đổi phương thức, tập quản sản xuất theo hướng mới, nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp ở địa phương được nâng lên đáng kể. Không chỉ có sản xuất lúa, ông còn vận động các xã viên mở rộng diện tích chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Nhiều gia đình xã viên đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 1985, ông Quàng Văn Hao là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Nậm Mùn, huyện Tuần Giáo đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Anh hùng lao động Quàng Văn Dinh, dân tộc Thái, xã Quài Cang.

Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Mẹ Sùng Thị Phái (Sùng Thị Blây), sinh năm 1894, dân tộc: Mông; quê quán: Xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).
Bà Sùng Thị Plây là mẹ A Dính  - một cơ sở kháng chiến của địa phương. Trong một đợt càn của địch vào Pú Nhung, vì nghi ngờ tiếp tế cho Việt Minh nên bà bị bắt cùng với bố chồng và bảy người con (chị gái và các em của Vừ A Dính) mang về giam tại đồn Bản Chăn. Rất may là người anh trai Vừ Gà Lử của Dính hôm ấy vào núi nên không bị bắt. Trong thời gian bà và cả nhà bị giam tại đồn Bản Chăn, Vừ A Dính được đơn vị phái xuống tìm cách liên lạc và nắm tình hình địch để chuẩn bị cho bộ đội đánh đồn. A Dính đã nhiều lần liên lạc được với mẹ. Khi nắm được tin giặc Pháp chuẩn bị đưa quân lên đánh khu du kích ở Pú Nhung, bà đã trốn trại ra bìa rừng gặp Vừ A Dính cấp báo tin này. Bà còn chuyển cho Vừ A Dính hơn 100 viên đạn lấy trộm được của giặc. Trên đường trở về trại giam, một tốp lính đi tuần phát hiện ra bà. Tuy khám người bà không thu được gì nhưng chúng nghi bà liên lạc với Việt Minh nên đã khám nơi giam cầm bà. Địch đã phát hiện ra nhiều đạn mà bà và các con cùng những người bị giam giữ trong trại đã lấy trộm của lính Pháp trong khi đi làm phu dịch. Giặc pháp đã lôi cả 22 người trong trại giam ra bắn chết. Ông nội, mẹ, chị gái và các em - 9 người trong gia đình Vừ A Dính đã bị bắn chết. Bà Sùng Thị Plây được Đảng và Nhà nước truy tặng Liệt sĩ ngày 14-10-1964. Mẹ của Vừ A Dính đã được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên (năm 1994) vì có chồng, con và bản thân là liệt sĩ.
Chồng bà Sùng Thị Plây là ông Vừ Chống Lầu, bố Vừ A Dính là cán bộ Việt Minh của địa phương đã bị thực dân Pháp bắt và giam cầm tại nhà tù Sơn La. Ông đã bị thực dân Pháp thủ tiêu tại nhà tù Sơn La năm 1949. Ông Vừ Chống Lầu được Đảng và Nhà nước truy tặng là liệt sĩ ngày 5-9-1964.
Mẹ Lò Thị Inh, sinh năm 1909, dân tộc Thái; quê quán: Xã Nà Sáy

Mẹ Vũ Thị Hải (xã Quài Nưa),
Mẹ Phạm Thị Hợi (thị trấn Tuần Giáo),
Mẹ 
Nguyễn Thị Khoan (xã Quài Cang).

Vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Tuần Giáo, Lai Châu (Điện Biên ngày nay) là miền đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Kho tàng văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc Tuần Giáo từ bao đời nay để lại đã khẳng định có nền văn hóa phát triển từ rất sớm, độc đáo, phong phú và đa dạng. Người Thái có chữ viết riêng, thuộc hệ chữ Phạn, đã ghi chép được nhiều diễn biến về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua giao lưu, người Thái còn tiếp thu được nhiều nền văn hoá của các dân tộc khác. Họ kể truyện dân gian, truyện thơ Chàng Lú nàng Ủa (khun Lú náng Ủa), trường ca Chương Han, Xống trụ xon xao , Tản trụ xiết xương . . . họ lưu giữ, bảo tồn các điệu múa xòe, múa nón, múa sạp rộn ràng, duyên dáng; cùng các điệu múa ô, múa khen của người Mông...; nghề rèn của người Mông, tạo ra các sản phẩm tinh xảo chỉ bằng đôi tay thủ công và khối óc sáng tạo, đã tạo ra các công cụ sản xuất thiết yếu:  rao, cuốc, lưỡi cay... với một bí quyết riêng những vật dụng này rất sắc bén và bên với thời gian. Những bàn tay khéo léo của các cô gái Thái, Mông... đã tạo nên những trang phục đẹp đẽ như váy, áo, khăn... làm phong phú nền văn hóa đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời Pháp chiếm đóng, kinh tế Tuần Giáo với nông nghiệp là chủ yếu. Hàng năm, xuất khẩu một số mặt hàng như da, sừng trâu, cánh kiến củ nâu từ Tuần Giáo sang Lào , xuống Sơn La; muối và một số thực phẩm được chuyển từ xuôi lên qua Tuần Giáo. Trước khi Pháp đến xâm lược, ở Tuần Giáo chủ yếu là người Thai, Mông. Sau này mới có người Kinh, Hoa Kiều và một số dân tộc khác đến cư trú và sinh sống. Trong Quắm Tố Mường (bản Mường Quài) có ghi: "Tây (Pháp) bắt dân đi phu để làm đường và tải đồ từ Mường Lay về Hà Nội và ngược lại. Dân Mường Quài (Tuần Giáo ) phải làm quãng từ Mường Quài lên Nậm Nèn. Đường làm khó, có nhiều chỗ cao thấp, lắm đá nhọn tai mèo. Cai lục lộ Tây đánh đập, bắt dân lăn vào làm, nhiều người đã bỏ mạng không còn quay lại với vợ con nữa".

Vùng đất giàu tiềm năng

Một đoạn QL6 qua Tuần Giáo
Một đoạn QL6 qua Tuần Giáo
Tuần Giáo là một vùng đất rộng lớn, thiên nhiên hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có cấu trúc địa hình khá đa dạng, mang một số đặc điểm nổi bật: núi thấp dần và đổ dồn xuống các sông và suối lớn, hoặc xen kẽ với các thung lũng sông, khe suối và suối lớn, hoặc xen kẽ với các thung lũng sông, khe suối và bình địa, lọt vào giữa các dãy núi có rất nhiều dải trũng phẳng tạo thành những cánh đồng hẹp kéo dài. Lịch sử phát triển địa chất lâu dài, là phần cuối phía đông nam dải Hymalaya, các dãy núi đề chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Bình đồ cấu trúc địa chất phức tạp, một số dạng địa hình đặc biệt có giá trị khai thác cho du lịch. Dãy Pú Huổi Luông (xã Nà Sáy) cao 2.179m so với mặt nước biển, dãy Pơ Mu (xã Tênh Phông) cao 1.848 m. Tuần Giáo có sông Nậm Khoai thuộc hệ thống sông Mã là một trong ba hệ thống sông chính của Việt Nam là: sông Hồng, sông Mã và sông Mê Công. Khí hậu chịu ảnh hưởng chung của khu vực nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 19 độ C đến 20 độ C, trong năm có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, tập trung từ tháng 6 đến tháng 8, cao nhất vào tháng 7 đạt tới 600mm. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, có những tháng chỉ đạt dưới 20mm. Vào khoảng tháng 3, tháng 4 có gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô và nóng. Số liệu theo Quyết định số: 575/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2019 của UBND tỉnh Điện Biên: "Tuần Giáo có tổng diện tích đất tự nhiên 113.542,27 ha, đất nông nghiệp 99.685,05; đất phi nông nghiệp 2.169,55 ha; đất chưa sử dụng 11.687,67 ha; đất đô thị 1.714,89 ha". 

Huyện Tuần Giáo có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi đặc biệt có tuyến quốc lộ 6 và quốc lộ 279 (AH13 - tuyến đường bộ đối ngoại, tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng qua lại biên giới) chạy qua, ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp cho các hoạt động sinh hoạt được thuận tiện, tham gia vào việc cung ứng vật tư kỹ thuật, nguyên liệu, năng lượng cho các cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ, giúp cho các quá trình sản xuất xã hội diễn ra liên tục và bình thường mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hoá ở địa phương, củng cố tính thống nhất của nền kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước và tạo nên mối giao lưu kinh tế giữa các nước giáp biên.Vùng thung lũng hẹp Tuần Giáo chiếm 10% diện tích tự nhiên, địa hình bị chia cắt, nằm rải rác ở các xã nhưng tập trung vào 4 khu vực chính: Khu Mùn Chung - Mường Mùn, khu Chiềng Đông - Chiềng Sinh, khu Ba Quài - Thị trấn, khu Phình Sáng - Pú Nhung. Đất ở đây màu mỡ, thích hợp cho cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt vùng Phình Sáng - Pú Nhung, Ba Quài và Toả Tình có khả năng thích ứng với sự sinh trưởng của hoa màu (ngô, đậu tương) và phát triển cây công nghiệp (mắc ca, cà phê, cao su).
Với quan điểm phát triển và mục tiêu tổng quát: Huyện Tuần Giáo là một trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông của tỉnh Điện Biên với cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ là chủ yếu và đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Phát huy lợi thế và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực của huyện, tranh thủ tối đa sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh để phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thường xuyên tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.Phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tuần Giáo phải được đặt trong và gắn liền với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện theo hướng công nghiệp hóa  - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Chủ động khai thác tối đa các tiềm năng lợi thế, nguồn lực tại chỗ của huyện và thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để đảm bảo cho Tuần Giáo có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của tỉnh Điện Biên. Gắn các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với các chỉ tiêu tiến bộ công bằng xã hội. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, giải quyết tốt và có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ các chính sách dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, mở mang và nâng cao chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục. Quy hoạch phát triển kinh tế đảm bảo phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ, tái tạo cảnh quan, môi trường sinh thái cùng với thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về quốc phòng - an ninh,  xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, lấy ổn định chính trị làm tiền đề để phát triển kinh tế xã hội, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

Nhân dân các dân tộc có tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, núi rừng, bản làng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu anh dùng để bảo vệ quê hương. Với đức tính cần cù, chăm chỉ nhân dân các dân tộc Tuần Giáo sẽ vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại, phát triển. Đó là những nhân tố cơ bản, là sức mạnh tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện khi bước vào giai đoạn lịch sử mới, thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo chắc chắn sẽ dành được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh. 
Thế hệ trẻ huyện Tuần Giáo hôm nay đã và đang kế tục xứng đáng truyền thống của các bậc tiền bối, tiếp tục làm rạng danh cho quê hương, đất nước trên đường hội nhập, phát triển.
(Còn nữa: Truyền thống đấu tranh của nhân dân các dân tộc huyện Tuần Giáo)

Bài viêt tham khảo tư liệu từ Sách và các bài viết:
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu;
- Tiểu sử Anh Hùng Vừ A Dính;
- Anh Hùng Sùng Phái Sinh;
Câu hỏi Cuộc thi “Tìm hiểu 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu mới”;
Chuyện về anh hùng lao động Quàng Văn Hao;
Truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 4 bà mẹ;
- Tinh hoa nghề rèn của đồng bào Mông;
- Một số bài viết khác.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Bách

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LĐ sở chụp ảnh lưu niệm Quang cảnh buổi Tọa đàm Đoàn VĐV, CĐV tham dự Giải cầu lông Đại diện Đoàn Tuần Giáo tặng lẵng hoa chúc mừng VĐV tham gia tranh tài

Bạn biết gì về Trung tâm Quản lý đất đai huyện Tuần Giáo?

Thống kê truy cập từ 01/2018
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,793
  • Tháng hiện tại88,166
  • Tổng lượt truy cập1,607,293
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây