Việt Nam đã có lịch sử phát triển đô thị từ rất lâu đời. Đến thập kỷ 90, số lượng đô thị đã lên đến khoảng 500 đô thị. Kể từ đó đến nay, số lượng đô thị tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Tính đến tháng 12 năm 2016, cả nước đã có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%1, gồm: 02 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), 17 đô thị loại I trong đó có 03 đô thị loại I trực thuộc TW (Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ), 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V, (nguồn http://cem.gov.vn, Tổng quan phát triển đô thị Việt Nam).
17 đô thị loại I: TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), TP Nam Định (tỉnh Nam Định), TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá), TP Vinh (tỉnh Nghệ An), TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).
Theo nguồn http://www.dienbien.gov.vn, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là đô thị loại III, Năm 1992 thị xã Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Điện Biên. Thị xã có diện tích tự nhiên 50,96km2, dân số 1,7 vạn người gồm 13 dân tộc chung sống. Khi mới thành lập, xuất phát điểm kinh tế của thị xã rất thấp, cơ cấu kinh tế thuần nông, sản xuất tự phát, phân tán nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 50 - 70 USD/năm, đời sống của nhân dân các dân tộc còn rất khó khăn, hộ nghèo chiếm trên 50% dân số. Thu ngân sách năm 1992 đạt 200 triệu đồng. Năm 2003 thị xã Điện Biên Phủ được Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận là đô thị loại III, cùng thời điểm này, Chính phủ ra Nghị định số 110/2003/NĐ-CP, ngày 26/9/2003 về thành lập thành phố Điện Biên Phủ với diện tích 64,27km2, dân số 7,3 vạn người, gồm 9 đơn vị hành chính (7 phường và 2 xã). Theo đó, trong thời gian 5 năm (2016 - 2020), TP. Ðiện Biên Phủ sẽ triển khai nhiều hạng mục, công việc để cơ bản đạt 6 tiêu chí của đô thị loại II theo quy định, với số điểm tối thiểu đạt 81/100 điểm. Trong đó, chức năng đô thị đạt 12,1/15 điểm; quy mô dân số đạt 3,6/10 điểm; mật độ dân số nội thành đạt 3,5/5 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 3,5/5điểm; hệ thống công trình hạ tầng đô thị đạt 49,2/55 điểm; kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 9,1/10 điểm.
Nằm ở cửa ngõ phía Đông tỉnh Điện Biên, Thị trấn Tuần Giáo có diện tích tự nhiên 17,6 km²; gồm 17 khối, bản; dân số là 8.534 người (tính đến tháng 12/2015). Theo Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung giai đoạn đến năm 2030, Thị trấn Tuần Giáo mở rộng thuộc 3 đơn vị hành chính: Thị trấn Tuần Giáo, xã Quài Cang, xã Quài Tở. Với những thuận lợi là trung tâm kinh tế của huyện Tuần Giáo, có lợi thế về giao thông, vị trí phát triển đô thị thuận lợi, có vị trí chiến lược về kinh tế, an ninh quốc phòng, có vai trò quan trọng, là đô thị đón đầu trục kinh tế động lực của tỉnh Quốc lộ 279 (đi Điện Biên) và Quốc lộ 6 (đi Lai Châu, Hà Nội), thị trấn Tuần Giáo có tiềm năng và điều kiện để phát triển kinh tế năng động. Là trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ của vùng tỉnh. Là đô thị đối trọng, gắn kết với TP. Điện Biên Phủ trong tương lai. Thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên được công nhận là đô thị loại V, Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 09/10/2017 của UBND tỉnh Điện Biên [dienbien.gov.vn].
Quy định về phân loại đô thị
Điều 1 Nghị quyết số: 1210/2016/UBTVQH13, quy định đối tượng và phạm vi phân loại đô thi
1. Thành phố trực thuộc trung ương được phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I.
2. Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại I hoặc đô thị loại II hoặc đô thị loại III.
3. Thị xã được phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại III hoặc đô thị loại IV.
4. Thị trấn được phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại IV hoặc đô thị loại V.
5. Khu vực dự kiến hình thành đô thị trong tương lai được phân loại theo tiêu chí loại đô thị tương ứng.
Đô thị loại đặc biệt
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 70% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Đô thị loại I
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số:
a) Đô thị là thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 1.000.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 500.000 người trở lên;
b) Đô thị là thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 500.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Đô thị loại II
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng liên tỉnh;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 100.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.800 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 8.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Đô thị loại III
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100.000 người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên; khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 75% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Đô thị loại IV
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp huyện, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện hoặc vùng liên huyện;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 50.000 người trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.200 người/km2 trở lên; khu vực nội thị (nếu có) tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 6.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên; khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 70% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Đô thị loại V
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm hành chính hoặc trung tâm tổng hợp cấp huyện hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện hoặc cụm liên xã;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 4.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.000 người/km2 trở lên; mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 5.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Đô thị áp dụng cho một số đô thị có tính chất đặc thù
1. Đô thị là trung tâm du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo thì tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 70% mức quy định; các tiêu chí khác phải bảo đảm mức quy định của loại đô thị tương ứng.
2. Đô thị loại III, loại IV và loại V ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia thì tiêu chí quy mô dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí khác tối thiểu đạt 70% mức quy định của loại đô thị tương ứng.
3. Đô thị ở hải đảo thì tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị tối thiểu đạt 50% mức quy định; các tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội tối thiểu đạt 30% mức quy định của loại đô thị tương ứng. [Bản gốc Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH 13 về phân loại đô thị]
Ý kiến bạn đọc